Ông chủ đã thả hồn vào gỗ, ấp ủ phát triển cả làng nghề

Không tập trung sản xuất đại trà mà cứ nhỏ lẻ manh mún sẽ không được thị trường chấp nhận. Khi công nghiệp phát triển đương nhiên phải sản xuất đồng đều, áp dụng công nghệ cao mới giúp cho công sức và giá trị sản phẩm được nâng cao.


Ngồi tiếp khách trên bộ bàn ghế bóng bẩy, lọt thỏm giữa muôn trùng giường, tủ, bàn, ghế gỗ với kiểu dáng kim cổ đông tây có cả, ông chủ họ Vũ của showroom rộng chừng hơn 300 mét vuông vừa nhấp ngụm chè chát vừa nói: “Cái nghề nó ăn vào máu, nhìn mãi cũng thành quen. Người làng nghề tự thấy gần gũi với gỗ, yêu các sản phẩm từ gỗ. Từ gỗ đã ăn vào tiềm thức rồi.”

Giám đốc Cty cổ phần Đầu tư phát triển gỗ Đồng Kỵ, Chủ tịch Hội Gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ, Vũ Quốc Vương

13 tuổi, anh Vũ Quốc Vương đã bắt đầu bước chân vào học nghề, có từ đời ông bà anh, tính ra đến giờ cũng ngót nửa thế kỷ. Ở cái đất nghề gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ, một địa danh thuộc thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 20 km về phía Đông Bắc, anh Vương làm quen với nghề gỗ theo kiểu: “Xưởng đặt ngay nhà nên đi học về là lại ngồi xem các nghệ nhân làm.” Đấy là cái cách nghề thẩm thấu vào con người anh.

Đến với gỗ từ thủa mười ba nhưng 27 tuổi anh mới bắt đầu lập doanh nghiệp. Không tiếp nhận công ty của gia đình để lại, anh Vương mở riêng công ty đặt theo tên thương hiệu Đồng Kỵ. “Công ty của gia đình để các em tiếp nối.”, anh Vương nói nhẹ nhàng.

Có chút khác biệt của những thế hệ nghệ nhân trước và sau này chăng, bởi anh Vương “phải học để làm nghề tươi sáng hơn” với tấm bằng Đại học Bách Khoa chuyên ngành Quản trị . Tiếp đến là trình độ kế toán. “Làm mỗi thứ biết một chút.”, anh tặc lưỡi cười xòa. Học để nhận thức được nhanh hơn, bài bản hơn nhưng “quản lý còn do nhận thức của mỗi người và với nghề truyền thống, cứ nhìn nhiều thành quen”.

Không biết có phải do anh nằm trong nhóm năm phầm trăm ít ỏi có bằng cấp ở làng nghề này mà năm 2011, Hội Gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ được thành lập, Vương được bầu làm chủ tịch của hội có tới 250 hội viên.

Tính đến nay, ngót hơn hai chục năm trong nghề, với doanh nhân 35 tuổi, có dáng người đậm đậm, tóc lúc nào cũng vuốt keo chỉn chu này thấm nhuần “chỉ yêu nghề và phải tâm huyết mới giữ được nghề”. Anh vương bảo, như thấm vào từng người đất Đồng Kỵ, đồ gỗ quê anh khác với làng nghề khác, từ chất liệu sản phẩm đến kỹ mỹ thuật, gần như đẹp tuyệt đối, độ nét cao, sản phẩm hoàn thiện rất kỹ.

Làng nghề Đồng Kỵ có bí quyết, tạo ra sự riêng biệt kể cả làng nghề bên cạnh như Phù Khê cũng không làm được. Giá thành sản phẩm của Đồng Kỵ cũng cao hơn so với nơi khác từ vài triệu đồng nhưng vẫn cạnh tranh sòng phằng trên thương trường với tem nhãn đăng ký nhãn hiệu sản phẩm làng nghề Đồng Kỵ.

Linh hồn của ngành gỗ là sự kết hợp giữa sức lao động và sự yêu nghề để tạo ra sản phẩm có hồn và thật nhất. Nói về triết lý sống của một doanh nhân hay đơn giản là một con người, anh Vương chia sẻ: “Sống phải thực tế, sự cảm nhận cũng phải theo bản chất thật nhất của con người. Khi anh không thổ lộ được theo chính suy nghĩ của anh, không thể thể hiện đúng bản chất của anh thì mọi thứ sẽ không tự nhiên đến với mình một cách tự nhiên.”

“Mình thích cái gì phải toát lên được điều đó, chứ cần gì phải sống theo lối mòn. Những hủ tục, thói quen không phù hợp đôi khi cũng làm mình bị ảnh hưởng, chút gì đó thiệt thòi. Sống duy nhất có một lần, sống sao hy sinh cống hiến để đất nước phát triển, để đời sau không mất giá trị, mình phải vẽ nên một bức tranh cho toàn cảnh.”, doanh nhân gần tứ tuần chia sẻ.

Vận vào cái nghề nối nghiệp cha ông, cổ truyền là cái gì đó như cha truyền con nối, làm theo mặt hàng truyền thống, đa số bài bản cũng chỉ học qua cách nói chứ không qua sách vở. Vì vậy, hiện tại anh Vương đang hướng tới dạy bài bản qua sách vở, chuyên nghiệp hơn. Chẳng hạn mẫu mã phải cần các nhà thiết kế chuyên nghiệp để tạo ra những sản phẩm mới nhất, đó chính là phần quan trọng nhất trong xúc tiến thương mại của làng nghề gỗ.

Tuy vậy, biết là thế nhưng giờ phần lớn vẫn do các “chuyên gia làng” tự thiết kế hoặc theo mô phỏng mẫu mã của Trung Quốc. Mỗi nhà ra một loại mẫu, chẳng ai giống ai. “Nếu muốn phát triển bền vững sản phẩm phải phong phú hơn mới tiếp cận được thị trường, cần có thiết kế mới. Cần các nhà thiết kế chuyên nghiệp để tạo ra mẫu mã mới.”, anh Vương cho biết.

Đến nay, đã có một vài công ty thuê thiết kế một cách bài bản, hướng tới đổi mới hơn. Làng nghề truyền thống giờ cũng ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển. Vẻ mặt hớn hở, ngón tay thoăn thoắt gõ vào bàn phím của chiếc máy tính xách tay đắt tiền màu bạc, anh Vương khoe trang thương mại điện tử của làng nghề dongkyfuniter.com ra mắt vào tháng 6 năm ngoái. Màn hình máy tính xuất hiện trang web có ảnh sản phẩm gỗ được trình bày linh hoạt trên nền giao diện trắng điểm xuyết màu nâu đặc trưng của gỗ. “Hiện tại trang web đang nâng cấp thêm ứng dụng trên điện thoại. Chúng tôi sẽ làm cả hai ứng dụng cho Samsung và iPhone.”, anh Vương lý giải. Người ta toàn dùng điện thoại, tiện hơn cho người dùng.

Đúng là doanh nghiệp nào cũng có các vấn đề lo riêng mà đầu tiên là làm sao sinh lợi nhuận. Nhưng anh Vương bảo phải có những người tâm huyết sẽ tốt cho cả làng nghề phát triển và giữ nghề để mai sau không mai một . Mình phải đặt mình là khách hàng và là người bán sản phẩm, phải đặt ở hai địa vị thì mình mới hiểu được giá trị của nó.

Không tập trung sản xuất đại trà mà cứ nhỏ lẻ manh mún sẽ không được thị trường chấp nhận. Khi công nghiệp phát triển đương nhiên phải sản xuất đồng đều, áp dụng công nghệ cao mới giúp cho công sức lao động và giá trị sản phẩm được nâng cao.

“Cứ để tình trạng như thế này, vài năm nữa làng nghề sẽ mất nếu như không có một cụm công nghiệp chung.”, có vẻ anh Vương không chỉ quan tâm đến mỗi doanh nghiệp mình nữa. Anh và các thành viên Hiệp hội Gỗ Đồng Kỵ đang ấp ủ dự án chung cho cả làng nghề. Trong đề án đó có cả trung tâm dạy nghề cho các thế hệ sau, có nhiệm vụ tìm cả đầu ra đầu vào cho sản phẩm, có cả tìm thị trường mới.

Đó là ấp ủ của anh Vương, ông chủ doanh nghiệp tư nhân, doanh thu dăm ba tỷ một năm nhưng lại thích ước mơ dài hơi và bài bản mà gọi theo kiểu của các nhà quản lý hay gọi là tầm vĩ mô. Doanh nghiệp và Thương hiệu sẽ trở lại Đồng Kỵ để song hành cùng ước mơ đưa làng nghề vươn lên tầm cao mới với dự án của Chủ tịch Vương cùng các thành viên ấp ủ bao lâu nay. Hiệp hội làng nghề gỗ Đồng Kỵ đang xây dựng dự án “làng nghề khởi nghiệp”. Dự kiến một tháng của cụm công nghiệp này đạt sản lượng đạt khoảng 50 triệu USD, tăng gấp năm lần so với hiện tại.

Related posts:

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *